Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

CHƠI KIỀU-MỘT THÚ CHƠI BÁC HỌC



Truyện Kiều là một câu chuyện tình,viết bằng thơ lục bát.Tác giả là Nguyễn Du,ông này chắc không phải đảng viên Cộng sản vì làm thơ rất lãng mạn.
Tôi hỏi mấy bà hàng xóm :Nguyễn Du là ai ?Họ không biết.
Hỏi có biết truyện Kiều không ? Họ lắc đầu.
Nhưng họ biết  Sở Khanh,Từ Hải…Tôi còn nghe họ bình luận :Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen.
Còn tôi ,lúc bé,được bà nội ru bằng ngâm Kiều, nhưng tôi không biết.
Bà nội tôi,không có bằng tốt nghiệp Bình dân học vụ,nhưng đọc truyện Kiều từ đầu tới cuối,rồi đọc ngược.Thuở bé,tôi còn được nghe bà kể chuyện Chung Vô Diệm đánh cờ với quỷ Dạ xoa,hay Tiết Nhân Quý chinh Đông chinh Tây,những chuyện đến bây giờ tôi vẫn chưa đọc.Nhà tôi ngày xưa có hai thứ :Sách truyện và đồ cổ,cả hai thứ nay  chỉ còn lại bộ tam sự và vài chiếc đĩa cổ chẳng biết đời nào.Có cuốn sách duy nhất còn sót lại là Văn đàn bảo giám thì tôi làm mất năm 1982,khi đem sách lên đơn vị bộ đội.(Phần lớn những gì tôi được biết về chữ Hán là qua sách này )
Năm cuối cấp 2,tôi cũng được học truyện Kiều qua bài Thúy Kiều bán mình chuộc cha,nhưng cũng chỉ biết truyện Kiều qua bài trích giảng văn học này mà thôi.
Đến khi đi bộ đội ,vào những năm 80 thế kỷ trước,tình cờ tôi có được truyện Kiều của nhà xuất bản Văn học,đọc qua loa vài lần ,cũng không hiểu lắm và thấy cũng chẳng có gì hấp dẫn.Ngày ấy ham đọc sách nên vào cửa hàng sách cũ,mua được cuốn Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh,thỉnh thoảng đem ra đọc,nghiền nghẫm để hiểu dần,và cũng hiểu được đôi chút.Có thể nói là từ việc đọc và hiểu Kiều ở cấp độ bình dân,nay được nâng lên cấp độ phổ thông.
Nhớ lại chuyện xưa,đi tuyển quân ở huyện Đông anh-Hà nội,Bác sỹ Chủ nhiệm Quân y trung đoàn,vì bận nên ủy quyền cho mình kí thay ông ấy vào phiếu khám sức khỏe ,mà trưởng đoàn khám của huyện là Bác sỹ Viện trưởng bệnh viện huyện,mình là y sỹ làm sao kí ngang hàng với ông ấy,tuy không nói ra nhưng ông bác sỹ có vẻ xem thường đại diện bên nhận quân.
Cũng có lúc  rảnh rỗi  ông Bác sỹ không biết đang nghĩ gì,đọc bâng quơ một câu:Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Mình đã đọc truyện Kiều và cũng biết một vài điển tích,nhưng đoạn này thì có nhớ cả câu Kiều và tích truyện,nên cũng quay lại lẩm nhẩm :Nhân diện bất tri hà xứ khứ.đào hoa y cựu…
Vị Bác sỹ thoáng nhìn mình có chút ngạc nhiên.
Từ đó ,cách nhìn của các vị bác sỹ,y tá trong đoàn của huyện đối với đại diện quèn của bên quân đội cũng có sự thay đổi.Đôi khi có thể chinh phục người khác không nhất thiết phải bằng chuyên môn,bằng cấp.
Sau câu chuyện này ,tôi băt đầu chăm chú tìm hiểu truyện Kiều.
Rồi mới nhận ra,ngoài ngâm Kiều được nghe từ nhỏ,còn có lẩy Kiều,vịnh Kiều,bói Kiều.
Các bạn đã học qua phổ thông,thử lẩy Kiều xem sao :
         Trăm năm Kiều vẫn là Kiều
Ăn sau rửa bát ….(Các bạn viết tiếp )
Vịnh Kiều hơi khó một chút :
Thằng bán tơ kia giở mối ra
Làm cho bận đến cụ viên già
Còn bói Kiều ,bạn hãy thử một lần xem sao :
     Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã,ra ngoài hào hoa
Chắc  người yêu của bạn sẽ là một anh chàng cao ,to,đẹp trai,lịch lãm…
Chứ nếu gặp phải câu  Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào,thì thôi rồi.
Truyện Kiều còn được sử dung trong ngoại giao quốc tế.Có lẽ phải kết nạp anh Nguyễn Du vào Đảng,nếu không thì cũng nên trao huân chương Hữu nghị Mỹ-Việt.
Đọc và hiểu truyện Kiều  là khó.Cấp độ bình dân,như bà nội tôi đọc thuộc lòng từ đầu tới cuối,đã khó
Ở cấp độ bác học,khi đọc câu Kiều :Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa,bạn liên tưởng đến ngay câu thơ chữ hán :Thời lai phong tống  đằng vương các của Vương Bột ,lại càng khó hơn.
Cho dù bạn là người bán rau ngoài chợ,hay là ông Giáo sư,anh hùng  thì cũng cứ cảm nhận Kiều theo cách của riêng mình.
Một người bạn của tôi đã làm một việc ít người làm được là dịch truyện Kiều sang chữ Hán.
Tôi đánh giá đây là một thú chơi mới,ngoài việc vịnh ,bói, lẩy Kiều kể trên.
Tuy không phải ai cũng đọc và hiểu được truyện Kiều bằng tiếng Hán,nhưng bạn hãy thử dịch một,hai câu Kiều sang thứ ngoại ngữ mà bạn nắm chắc xem có được không ?
Bạn hãy xem câu này được dịch sang tiếng nước ngoài xem có hay không
            Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên mụ canh gà thọ xương
Được dịch thành:
Cuồng phong đè ngọn trúc
Đổ xuống tà vẹt đường
Vợ trời đánh một hồi chuông
Cháo gà húp vội hóc xương mấy lần.
Thế nên,việc dịch hơn ba ngàn câu thơ sang tiếng hán là một việc làm phi thường.
Các bạn trẻ,hãy thử Hip –Hop hóa truyện Kiều xem sao .